LÀM MÁI TÔN: KINH NGHIỆM LỰA CHỌN VÀ THI CÔNG

Mái tôn không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà mà còn là lớp bảo vệ, chống dột, chống nóng hiệu quả. Chọn lựa mái tôn phù hợp, có độ bền cao, phong thủy tốt là phương thức hữu ích để ngôi nhà bạn bền vững. Bài viết dưới đây là một vài kinh nghiệm lựa chọn và thi công làm mái tôn để bạn đọc tham khảo.

Lợp mái nhà là khâu cuối cùng trong việc hoàn chỉnh một căn nhà. Người xưa quan niệm, trong quá trình xây dựng, sau khi làm lễ “cất nóc”, tức là đậy lên đỉnh mái nhà mới là coi ngôi nhà hoàn thành. Mái nhà không đơn thuần chỉ có chức năng bảo vệ, mà còn là điểm tạo dáng mỹ thuật chính cho ngôi nhà. Để chống chọi lại tác động môi trường như nắng, mưa, gió bão, mái nhà phải có độ bền vững và khả năng thích nghi cao.

Sau một thời gian “nhà mái bằng” được đưa lên thành niềm mơ ước, rồi với bao sự khiếm khuyết về kỹ thuật như ngấm dột thường xuyên, người ta nhận ra rằng ngôi nhà không thể không có mái. Và thế là dù làm nhà mái bằng, vẫn phải làm thêm mái bê tông để dán ngói lên, cho giống như ngôi nhà truyền thống.

1. Mái lợp ngói bằng bê tông và hệ xà gồ

– Mái đúc bê tông cốt thép là dạng kết cấu khó giãn nở, nếu không được bảo vệ sẽ dễ bị rạn nứt bề mặt, khó khăn chống thấm. Nếu áp dụng cách dán ngói lên mái bê tông sẽ làm lưu nhiệt trong kết cấu, dễ bị nứt, thấm dột do không co giãn tốt, khó sửa chữa khi có hư hỏng, vì ngói dính cứng với bê tông. Do đó, nếu nhà bạn đã có sàn mái bê tông cốt thép, không nên đổ mái dốc rồi dán ngói, vừa lãng phí nguyên vật liệu, vừa nặng nề. Bạn hãy làm theo phương thức truyền thống, nghĩa là sử dụng một số hệ xà gồ, vì kèo (có thể bằng gỗ, thép) rồi lợp ngói

– Phương pháp này làm mái nhẹ hơn, cũng dễ dàng thi công mà mái lại có độ co giãn tốt khi nhiệt độ thay đổi nên không nứt. Hơn nữa, khi cần sửa chữa một vài chỗ, cũng chỉ phải dỡ ngói cục bộ ở từng vùng mà không cần lật cả hàng ngói lớn. Đối với những bề mặt cần lợp ngói có diện tích nhỏ như mái hiên, mái ngói trên đầu cửa sổ, mái cổng,… có thể đúc bê tông dán ngói. Diện tích của chúng tương đối nhỏ nên tác động của thời tiết trên bề mặt không rõ rệt. Tuy nhiên về thẩm mỹ, vẫn nên dùng mái ngói có hệ xương đỡ phái dưới theo cách truyền thống.

2. Làm mái tôn bền và nhẹ

– Mái tôn có ưu điểm bền, nhẹ, dễ thi công, lắp đặt nhanh, ít phải bảo dưỡng. Mái tôn sử dụng bộ khung vì kèo bằng thép, có thể để trống bốn mặt xung quanh mà không cần xây tường đỡ. Tôn lợp có hai dạng chính: sóng tròn và sóng vuông. Tôn sóng tròn có cường độ chịu lực yếu hơn tôn sóng vuông, nên khi lợp mái, độ dốc nghiêng của mái phải lớn hơn 5o. Trong khi đó, tôn sóng vuông chỉ cần độ dốc 3o. Tấm lợp có lớp mạ hợp kim nhôm – kẽm bảo vệ chống rỉ cho lớp thép nền. Tuổi thọ của mái tôn phụ thuộc chủ yếu vào lớp mạ phủ chứ không phải do chiều dày lớp thép nền. Lớp phủ cũng hạn chế nhiệt lượng mặt trời xuyên qua, làm không khí dưới mái mát mẻ hơn. Trên cùng lớp mạ nhôm kẽm là sơn lót epoxy và trên nữa là lớp sơn màu, chịu được mưa nắng trong nhiều năm. Tôn PU – PVC là loại tôn thiếc được mạ một lớp kẽm hay tôn màu, phía dưới cán thêm một lớp PU và PVC có tác dụng cách nhiệt, cách âm và chống cháy (có thể chịu được nhiệt độ trên 1000oC)

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Thi công làm mái tôn

– Trước đây, nhà lợp mái ngói chỉ dùng xà gồ bằng gỗ, nên hệ thống xà gồ, vì kèo, cầu phong, li tô thường rất phức tạp. Ngày nay, làm mái tôn trên bề mặt mái rộng khoảng 50 m2 cũng chỉ cần đến 3 vì kèo bằng thép hộp loại 40 x 40 và 6 thanh xà gồ cùng loại thép, trông rất nhẹ nhàng và thưa thoáng. Do đặc điểm mái tôn vừa nhẹ, vừa nguyên tấm dài (khổ tấm tôn từ 0,75 đến 0,85 m¸còn chiều dài có thể lên tới 12 m) nên không cần quá nhiều thanh đỡ mái. Nhưng khoảng cách giữa các xà gồ khi lợp mái bằng tôn sóng tròn không được vượt quá 1,2 m. Nếu lợp mái bằng tôn sóng vuông khoảng cách này có thể lên tới 2,1 m. Hai thanh xà gồ trên cùng (gần đỉnh mái) tối đa cách nhau 20 – 30 cm về 2 phía. Đi lại trên mái cần dùng giày dép mềm, không có đinh và bước trên các sóng tôn, sao cho bàn chân đặt lên ít nhất 2 sóng tôn, tốt nhất là vào các vị trí có xà đỡ. Không nên dùng ti hay đinh để lợp mái thay cho vít.
- Đơn giá nhân công lợp mái tôn  so với làm nhà mái bằng, lợp ngói thì tiết kiệm hơn rất nhiều.

Phân biệt mái tôn thật giả

– Một số công ty sản xuất mái tôn có uy tín thường bị làm giả, đã in lên sản phẩm của mình hàng chữ điện tử: tên, loại, độ dày, thời gian sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.

– Mái tôn nhái nhái thường không có dòng chữ như trên hoặc nếu là hàng giả, chữ thường không sắc nét, rõ ràng. Điều dễ nhận biết là độ dày mỏng của tấm tôn có thể phân biệt khi cầm cả khổ tôn lên so sánh. Lớp sơn bảo vệ ngoài không có được màu sắc tươi, bóng mờ như hàng chính hiệu. Thậm chí có loại dễ trày xước

3. Kỹ thuật làm mái tôn

– Thi công làm mái tôn phải được thực hiện bởi các tay thợ chuyên nghiệp. Tuy nhiên người chủ nhà cũng nên biết một số điểm chủ yếu để quan sát chất lượng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Điểm đầu tiên là dùng khoan điện có đầu gá vít chuyên dụng để bắt vít. Không nên bắt vít bằng bất cứ dụng cụ thủ công nào khác vì không thể đạt được độ xoắn chặt như quy định. Nếu xà gồ bằng thép hộp có chiều dày lớn hơn 5 mm, nhất thiết phải khoan mồi trước.

– Vít bắt tôn có rất nhiều chủng loại. Thông thường 1 m 2 mái tôn sử dụng 5, 6 chiếc. Nên sử dụng loại vít của chính hãng sản xuất mái tôn, vì đó là loại vít chuyên dụng, có gioăng cao su chống lão hóa, chống dột rất tốt, có khả năng tự khoan xà gồ thép dày tới 5 mm. Trên vít có 2 phần ren. Phần ren dưới, gần mũi vít, tạo ta rô dễ bắt chặt vào xà gồ, trong khi phần ren trên ở gần đầu mũi vít giữ cho đỉnh mái tôn luôn áp chặt với gioăng. Đồng thời, một ưu điểm của nó là nó kéo cạnh ba via của lỗ khoan lên phía trên ngăn không cho nước xâm nhập. Do đó, mái tôn không bị dột qua các chân vít.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật và ngoài trời

Nhà làm mái tôn hoàn thiện

 4. Bảo dưỡng mái tôn

– Khi đã hoàn thành việc lắp đặt mái, cần kiểm tra dọn sạch các phoi mạt (các miếng tôn nhỏ bắn ra khi khoan bắt vít). Không nên coi thường điều này vì nếu để sót, chỉ sau một trận mưa, các phoi mạt rỉ sét gây ố lỗ chỗ trên bề mặt mái tôn. Mái tôn là nơi tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Mưa gió, nắng nóng, các chất muối hữu cơ và các chất gây ô nhiễm khác là các tác nhân quan trọng làm giảm tuổi thọ của mái tôn. Nước mưa có thể rửa sạch trôi bụi bẩn, trả lại cho mái tôn vẻ đẹp thuần khiết nhưng lại có nhiều tạp chất, acid và cặn lắng sunfur làm hư hại bề mặt mái. Do đó, để giữ mái tôn có thể sử dụng được lâu dài, cần dùng nước xối mạnh để rửa sạch. Tối thiểu làm một lần trong năm vào giữa mùa khô. Dùng nước sạch, pha thêm một chút xà phòng giặt để tẩy sạch các bụi bẩn bám, sẽ làm mái tôn của bạn luôn luôn sáng đẹp.
 

5. Thoáng khí cho mái tôn

– Nhiều người làm mái tôn để chống nóng cho mái nhưng lại không quan tâm đến việc tạo thông thoáng cho mái. Không nên xây tường kín bao quanh khu vực làm mái tôn mà phải để các khe thông gió để tránh hơi nóng hầm hập từ trên hắt xuống. Khoảng cách mái nên cao cách sàn bê tông tối thiểu 1,0 m để không khí dễ lưu thông. Dùng quạt tự động rất có tác dụng lưu thông không khí một cách tự nhiên. Khi lắp đặt cần lưu ý vị trí thẳng đứng của trục cầu để cần xoay nhẹ nhàng.

6. Tấm lợp hợp kim thép 
    - Nhiều người băn khoăn khi nghĩ đến sử dụng mái lợp kim loại cho nhà ở coi đây là vật liệu rẻ tiền, không thích hợp với công trình sang trọng, bề thế. Nhưng đừng vội phủ nhận vẻ đẹp của tấm lợp kim loại. Trên thị trường ngày nay không chỉ có tấm lợp tôn phẳng, mỏng kiểu Austnam mà còn có rất nhiều loại tấm lợp thép khác, như Klip-lok Hi-ten, Gerard…Đây là tấm lợp bằng thép phủ Zincalume và Colorbond (hai hợp kim siêu cứng) và có cường độ chịu lực cao. Các lớp phủ này đặc biệt chống ăn mòn và chịu đựng được môi trường và thời tiết khắc nghiệt.
    - Về hình thức, mỗi sóng tôn được chia thành nhiều gờ rãnh cao, chi tiết tinh xảo. Đặc biệt, các gờ âm dương (giữa tấm lợp đặt trên và tấm lợp đặt dưới) nối với nhau kín khít để đảm bảo an toàn trước những trận mưa bão lớn. Độ dốc mái cũng làm cho mái nhẹ hơn và thoát nước nhanh hơn. Các loại tấm lợp này tạo cho mái dáng vẻ lợp đá, thích hợp với nhà có mái lớn, nhiều cấp mái, màu sắc rất đa dạng từ đỏ đến xanh đen, rêu, nâu đất hoặc xanh ngọc. Sóng tôn tạo hình thành những viên ngói đá vuông. Tấm lợp này thực sự tạo nên những mái nhà đầy màu sắc, ấn tượng, bền vững thách thức với thời gian.


7. Tấm lợp lấy ánh sáng
    Mái tôn tuy có độ bền vững, nhưng khi lợp lại làm tối nhà. Mái tôn cũng hấp thụ nhiệt làm tầng mái nóng. Người ta thường phải sử dụng một sô tấm nhựa để lợp xen kẽ với mái tôn, đặc biệt là ở vị trí tum thang cần lấy ánh sáng cho các tầng dưới. Tuy nhiên tấm nhựa thông thường không có tính cản nhiệt, dẫn đến hấp thụ nhiệt cao. Một loại vật liệu lợp mái mới có mặt trên thị trường bằng chất liệu polycarbonate với kết cấu dạng panel hai lớp cho phép không khí xuyên qua tạo ra sự cách nhiệt tốt hơn. Lớp tráng bề mặt đặc biệt phản xạ tia cực tím giúp cho sản phẩm không bị lão hóa dưới ánh nắng mặt trời, sạm da người sử dụng. Tấm lợp polycarbonate trong mờ có thể lợp ở các vị trí tum thang, làm ô lấy sáng xen kẽ với mái tôn rất tốt. Tấm lợp chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, lại cách nhiệt tốt do kết cấu hai lớp, hơn hẳn tấm nhựa mỏng manh thường dùng. Tấm lợp cũng chịu uốn và chịu va đập tốt, có thể tạo dáng trong các điều kiện khác nhau. Tấm lợp này rất nhẹ, nên đối với mái dốc nhỏ, không cần khung vì kèo mà lưới thép hộp đỡ tấm có thể thay thế. Tấm lợp dạng phẳng không sóng nên không đặt chồng mí như mái tôn mà đặt trên cùng mặt phẳng của hộp thép khung xương, sau đó dùng nẹp nhôm chuyên dụng che lên chỗ tiếp giáp, sử dụng đệm cao su chống thấm.

Nguồn: Tổng hợp